Các chỉ số đo lường Phân tích tìm kiếm

Lưu lượng truy cập trang web (site traffic)

Lưu lượng truy cập trang web đề cập đến việc người dùng truy cập một trang web. Lưu lượng truy cập web (web traffic) được đo bằng lượt truy cập, đôi khi được gọi là "phiên" (sessions) và là cách phổ biến để đo lường hiệu quả kinh doanh trực tuyến (e-Business) trong việc thu hút khách hàng[8].

Lưu lượng truy cập trang web không phải là yếu tố duy nhất để đo hiệu suất thương mại điện tử. Nhưng nó vẫn là một yếu tố đầu tiên để xác định mức độ phổ biến và khả năng hiển thị của trang web. Việc phân tích lưu lượng truy cập trang web tạo ra cơ sở dữ liệu (database) thông tin có giá trị dùng để phân tích để hiểu rõ hơn về hoạt động của khách truy cập trang web, từ đó đưa ra phương án tối ưu hiệu suất của trang.

Tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate)

Phân tích tìm kiếm không chỉ là đo lường lưu lượng truy cập mà còn về tối ưu hóa trang đích (LPO: landing page optimization) và tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi (CPO: conversion rate optimization)[1].

  1. Tỷ lệ chuyển đổi là tỷ lệ khách truy cập vào trang web hoặc trang đích chuyển đổi (hay còn gọi là tỷ lệ khách truy cập thực hiện một hành động mong muốn) trong tổng số khách truy cập[9].Phân tích tỷ lệ chuyển đổi là một trong những việc cần thiết để theo dõi kết quả chiến dịch trực tuyến, góp phần đo lường hiệu quả của chiến dịch, từ đó có các biện pháp tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi để cải thiện và nâng cao hiệu suất.
  2. Tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi (CRO) là quá trình tối ưu hóa trang đích (landing page) và trang web để có thể tạo ra nhiều chuyển đổi từ lưu lượng truy cập[10]. Để tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi, dữ liệu cần dùng là thuật ngữ được sử dụng tìm kiếm của người dùng, sự lặp lại của tìm kiếm và lưu lượng truy cập. Thu thập dữ liệu thuật ngữ của người dùng sẽ giúp trang web hiểu rõ người dùng, tinh chỉnh từ ngữ, tăng khả năng người dùng ở lại trang web và mua sản phẩm. Sự lặp lại của tìm kiếm giúp hiểu rõ cách người dùng thu hẹp suy nghĩ trong quá trình tìm kiếm. Việc theo dõi lần nhấp chuột đầu tiên, lần nhấp chuột cuối cùng và quá trình tìm kiếm của người dùng sẽ giúp cho việc tối ưu các thuật ngữ của từng giai đoạn tìm kiếm của người dùng, hướng người dùng đến trang web, từ đó tăng khả năng truy cập trang web và tăng khả năng chuyển đổi.
  3. Tối ưu hóa trang đích (LPO) là quá trình cải thiện các yếu tố trên trang web để tăng chuyển đổi. Tối ưu hóa trang đích là một tập hợp con của tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi (CRO) và liên quan đến việc sử dụng các phương pháp như thử nghiệm A / B để cải thiện mục tiêu chuyển đổi của một trang đích nhất định. Vì các trang đích được tập trung vào chuyển đổi, việc cải thiện hiệu suất của chúng có thể dẫn đến những cải thiện đáng kể trong kết quả kinh doanh[11].

Tỷ lệ nhấp (click - through rate)

Tỷ lệ nhấp là tỷ lệ phần trăm những người nhấp vào quảng cáo sau khi nhìn thấy nó. Tỷ lệ nhấp là một chỉ số tốt để đo lường mức độ phù hợp của quảng cáo với đối tượng mục tiêu. Phân tích tỷ lệ nhấp giúp tìm ra nguyên nhân, đó có thể thông qua việc phát hiện quảng cáo có nhắm đúng đối tượng mục tiêu, nội dung quảng cáo có đủ thu hút, việc lựa chọn từ khóa có đúng với từ khóa tìm kiếm của đối tượng,...từ đó đưa ra các giải pháp để cải thiện bất cứ điều gì cần thay đổi để quảng cáo (và chi tiêu quảng cáo) trở nên hiệu quả hơn.

Thứ hạng trang (page rank)

Thứ hạng trang (PR) là một phép tính, được phát minh bởi hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin. Thứ hạng trang đánh giá chất lượng và số lượng liên kết đến một trang web để xác định điểm tương đối và tầm quan trọng và quyền hạn của trang đó theo thang điểm từ 0 đến 10[12].

PR chỉ là một yếu tố mà Google sử dụng để quyết định nơi một trang web xuất hiện trong bảng xếp hạng tìm kiếm cho một truy vấn cụ thể. PR càng cao thể hiện trang có chất lượng cao, phù hợp và đáng tin cậy. Phân tích thứ hạng trang (page rank) giúp đưa ra hướng xây dựng hệ thống liên kết hiệu quả từ đó tạo ra một trang web có chất lượng, nhằm giúp gia tăng vị trí xếp hạng tìm kiếm của trang web, giúp cho việc tiếp cận khách hàng trở nên dễ dàng hơn.

Vị trí trang (position)

Vị trí trang là thứ hạng cho một từ khóa khi được tìm kiếm trong một hệ thống tìm kiếm cụ thể. Đây là vị trí mà trang web hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm[13]. Vị trí xuất hiện càng cao trong kết quả tìm kiếm, trang web sẽ có cơ hội nhận được nhiều lượt truy cập hơn.

Phân tích vị trí trang web phải được đo lường liên tục và thường xuyên để theo dõi vị trí trang web đang tăng hay đang giảm. Điều này được đi kèm với dữ liệu về sự phát triển của tất cả từ khóa đang có trong trang web. Phân tích vị trí trang để biết được chất lượng trang web, hiểu quả hoạt động của trang để có biện pháp cải thiện nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua vị trí hiểu thị trong công cụ tìm kiếm.

Liên quan